LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIÚP ĐỜI (BÀI 2) 

Trong Pāli từ nguyên của diṭṭhi là dis (thấy) với mắt thường. Khi biến thể thành danh từ diṭṭhi thì thường dùng theo nghĩa là cái thấy, cái nhìn về con người và thế giới, thường dịch là kiến (quan điểm, ý kiến). Động từ jānāti passati (biết và thấy) đồng nghĩa với nhau. Do đó, sammā diṭṭhi (chánh kiến) nghĩa là quan điểm đúng hoặc sự hiểu biết đúng với chân lý về nhân sinh, thế giới.
Micchā diṭṭhi (tà kiến) nghĩa là quan điểm sai lạc hoặc sự hiểu biết sai lạc với chân lý liên quan đến thường kiến và đoạn kiến về một tự ngã tưởng tượng. Nếu hiểu sai như về một bài học ngoại ngữ thì không gọi là tà kiến. Nhưng hiểu sai về nghiệp quả, sự tái sinh, pháp môn tu tập, sự giải thoát, sự giác ngộ thì mới gọi là tà kiến. Bởi vì những hiểu sai này xuất phát từ ngã kiến.
Muốn giúp đời thì phải có chánh kiến và đây là điều kiện không thể bỏ qua trong việc làm lợi ích cho mọi người. Hitler cũng có ý nguyện giúp đời nhưng kiến lệch lạc đã tạo nên cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, dẫn đến cái chết của 50 triệu người. Tuy nhiên, cho đến bây giờ vẫn còn người tin theo đường lối của ông. Trong hàng ngàn năm trước ở Ấn độ, những người lập ra thuyết khổ hạnh và lõa thể vẫn nghĩ rằng đó là chân lý. Cho đến thời nay tại Ấn vẫn còn thấy người thực hành khổ hạnh và lõa thể theo lý thuyết xưa kia.
Trước năm 1975 cả vạn người tôn sùng một vị Thánh. Vị này được tôn Thánh chỉ vì tu khổ hạnh. Ngoài việc khổ hạnh ra, vị này không có đức tính gì để gọi là Thánh thực sự. Vì là Thánh do người khác tôn lên, không phải do chứng ngộ, cho nên vị này không có gì để hướng dẫn mọi người. Vì được quá nhiều người tôn sùng vị này sinh ra bệnh ảo tưởng, biểu hiện rất rõ trong lời nói và hành động bất bình thường. Bệnh nặng nhất là ông đã tạo nên tà pháp lõa thể cho cả nam, nữ. Vậy mà cũng có người cuồng tín làm theo. Bài học sai lầm một thời trong quá khứ gần đã quá rõ, thế mà nhiều người trong hiện tại muốn đi theo vết xe cũ.
Khi Đức Phật còn tại thế, Devadatta cầm đầu một số người ly khai Phật Pháp. Những người này thực hành nghiêm nhặt những hạnh như ở rừng trọn đời, đi khất thực trọn đời, ở cội cây trọn đời v.v… Nhóm ly khai này có phải đang thực hành hạnh đầu đà không? Chỉ có kẻ nông cạn về Phật Pháp mới cho là đầu đà. Người có tín và trí biết rằng nhóm này không có chánh đạo. Một khi đã xa rời chánh đạo thì những hạnh khổ khắc kia chỉ là hình thức của giới cấm thủ, không thể là hạnh đầu đà, cũng không thể đưa người thực hành đến an lạc hiện tại, nói gì đến cứu cánh giải thoát.
Người tu hạnh đầu đà phải bao gồm nhiều hạnh, trong đó có hạnh độc cư, sống tách rời những nơi đông người tụ tập, thu thúc lục căn… Vị đầu đà phải là người có hạnh từ bỏ. Vị ấy bỏ cả danh lợi. Nếu bỏ lợi, sống với hai bàn tay trắng, nhưng còn ham danh, thích được nhiều người tôn sùng, thích nổi tiếng thì chưa gọi là từ bỏ. Nếu bỏ được lợi, danh nhưng không bỏ được ái dục, ngã mạn, tà kiến thì cũng chưa gọi là từ bỏ và một lúc nào đó lòng tham danh lợi sẽ trỗi dậy.
Cho nên một vị đầu đà phải biết làm cho tròn đủ các hạnh cao thượng và khi có hạnh thì phải có minh. Chính vì minh thuộc về phần trí tuệ mà hành giả mới theo hạnh đầu đà để phát triển minh. Một vị có minh phải là người có tu thân và tu tâm. Như thế nào là tu thân? Ngủ dưới cội cây, ngủ ngồi là tu thân phải không? Không phải, làm như vậy chưa phải là tu thân theo lời Phật dạy. Khi nào lạc thọ khởi lên, không tham đắm lạc thọ. Lạc thọ đó không xâm chiếm tâm và không lưu trú. Đây là có tu thân. Như thế nào là tu tâm? Khi nào lạc thọ diệt, khổ thọ khởi lên, không sầu muộn, không than khóc, không bấn loạn. Khổ thọ đó không xâm chiếm tâm và không lưu trú. Đây là có tu tâm. Tu thân và tu tâm theo Thánh luật cao siêu vời vợi như vậy đòi hỏi phải có tâm thái của người học và hành Pháp nghiêm cẩn mới có thể là người thật sự tu tập. Bao nhiêu đó cũng đủ để hiểu rằng không dễ thực hành hạnh đầu đà. Khi có tu thân và tu tâm vị ấy còn phải từ bỏ tà kiến. Theo Phật ngôn khi biết và thấy nội ngoại xứ là vô thường và các pháp duyên nội ngoại xứ cũng là vô thường thì tà kiến được từ bỏ. Đây là sự từ bỏ vượt tầm tri thức thông thường, vượt qua cả hạnh và phải ở tầm nhìn của minh mới có thể đạt đến và đòi hỏi phải có tâm thái rất tỉnh thức, rất tỉnh giác để đạt đến.
Nếu trong số quý vị đang tôn sùng một nhóm người tu hạnh đầu đà tự xưng, nhưng họ không hiểu ý nghĩa sâu xa của hạnh đầu đà và cũng không hiểu người thực hành có theo đúng chánh đạo của Đức Phật hay không thì sự tôn sùng đó chỉ là tôn sùng cái vẻ bề ngoài, thiếu suy xét chín chắn. Như vậy chỉ nhìn qua vẻ ngoài mà tôn xưng thì có khác nào người lạc đường lại tin theo người không biết đường. Không ai sáng suốt lại khen người tiến thẳng vào vực thẳm. Cũng vậy, người không hiểu pháp môn đầu đà mà xưng là thực hành đầu đà là kẻ tự mình tiến vào vực thẳm của thực hành sai lạc. Kẻ đó chỉ có kết cuộc là đem lại đau khổ cho mình và nhiều người như vị được phong Thánh trước 1975 nêu trên. Bởi vì không có Phật Pháp nên vị đầu đà tự xưng này hiểu hạnh giới cấm thủ là hạnh đầu đà. Vì không hiểu hạnh đầu đà cao thượng nên vị này thản nhiên thu nhận một đoàn thể chỉ cần cạo đầu, khoác áo nhiều màu là hành giả rồi, không cần quá trình tu học. Một đoàn thể như vậy sẽ báo hiệu nhiều tai hại lâu dài cho mọi người trong tương lai và người cầm đầu có chịu trách nhiệm không?
Bao giờ cũng vậy, người thực hành sai dễ sinh ra bệnh ảo tưởng, bằng chứng là vị này thản nhiên đem chuông bể đi đánh xứ người. Dù có đánh cỡ nào cũng không bao giờ có tiếng chuông ngân, chỉ đem lại trò cười cho thiên hạ, nhất là ở những nơi có chư vị đầu đà chánh tông. Bi kịch là ở chỗ không biết chuông bể, cứ bám vào ảo tưởng đang đem lại hòa bình cho thế giới. Nếu quý vị quen biết những người tôn sùng, ca tụng nhóm đầu đà tự xưng thì quý vị phải có lòng từ bi với họ, bởi vì họ không còn tỉnh táo để biết ngượng hoặc xấu hổ nữa, cho nên phải tận tình giúp họ bằng cách đưa vào bệnh viện tâm thần để nhờ bác sĩ giúp đỡ trước khi quá muộn. Nếu quý vị đang ở nước ngoài và có bà con là những người có học vị, nói tiếng Anh như gió, đang phụ trách đài nước ngoài. Những học giả này hết lời ca tụng, ngưỡng mộ những vị đầu đà tự xưng và cho rằng cách hành trì đó là Phật Pháp chỉ vì lớp hóa trang bên ngoài. Nếu có lòng thương tưởng với người thân, quý vị nên đưa những bà con học vị, học giả này vào bệnh viện tâm thần lớn nhất, cho vào khu dành cho bệnh nhân đặc biệt nghiêm trọng dù cho tốn kém khá nhiều tiền.
Muốn giúp đời thì phải từ bỏ lòng tham danh lợi. Cái lòng tham danh lợi này liên quan đến cách nhìn sai về cuộc đời. Nếu nhìn cuộc đời lệch lạc thì sẽ kéo theo thói tham danh lợi. Một người từ bỏ của cải vật chất chưa hẳn là từ bỏ danh lợi, bởi vì người này bỏ của nhưng không bỏ được danh. Như vậy chưa gọi là từ bỏ. Người tại gia có tài sản, có vợ, chồng, con vẫn có khả năng chứng Thánh quả. Tại sao? Bởi vì dù có mọi thứ nhưng tâm không vướng mắc. Không đề cao, không mê đắm danh lợi dù có đủ danh lợi. Đây là ý nghĩa của từ bỏ. Do đó quan niệm cho rằng người xuất gia phải từ bỏ hết vật chất mới gọi là chân tu thì đó là quan niệm lệch lạc, rất cực đoan. Điều quan trọng là có chánh đạo hay không, chứ không phải từ bỏ bên ngoài mà bên trong ôm cả đống tham muốn. Từ bỏ danh lợi không phải là có danh có lợi rồi bỏ hết chỉ còn hai bàn tay trắng. Thực sự từ bỏ thì phải từ bỏ danh lợi phi pháp. Khi có danh lợi hợp pháp thì không tham đắm, dính mắc. Đây mới là sự từ bỏ liên quan đến chánh đạo.
Khi phát nguyện giúp đời thì phải xét xem chánh đạo của mình có vững vàng chưa. Nếu quá sốt sắng thì sẽ thất bại vì bị vướng vào danh lợi. Không giúp được ai mà còn hại mình và hại người. Muốn không thất bại thì phải cẩn trọng lượng sức mình. Nếu thấy việc thực hành chánh đạo còn yếu kém thì lo âm thầm học và hành. Những việc giúp đời như làm từ thiện, hướng dẫn tu tập là điều tốt, nhưng phải hiểu tâm của mình khi làm những thiện sự như vậy.
Một người tu tập đúng chánh đạo và phát triển chánh đạo sẽ đem lại an lạc cho mọi người. Một người như vậy ở đâu cũng được quý trọng. Vì có chánh đạo, người đó biết cách từ bỏ danh lợi một cách hiệu quả, đó là từ bỏ phiền não liên quan đến danh lợi. Chúng ta có thể tìm thấy những bậc khả kính này nơi những vị đầu đà chánh tông sống xa chốn phồn hoa đô hội. Chúng ta cũng tìm thấy nơi những vị sống trong những ngôi chùa to lớn và cũng tìm thấy nơi những cư sĩ bận rộn mưu sinh và đang gánh trách nhiệm gia đình.
Tóm lại, nếu tầm nhìn cuộc đời lệch lạc sẽ hại đời. Nếu tầm nhìn cuộc đời chơn chánh sẽ giúp đời. Rõ ràng là việc giúp đời cần phải có tầm nhìn sâu rộng, từ bỏ nhiều thứ để được nhiều thứ. Quý vị có phước lớn vì theo Phật Pháp. Chỉ ở trong Phật Pháp mới dạy “các pháp là vô ngã”. Khi mà tầm nhìn được định hướng sâu rộng như vậy, quý vị sẽ phục vụ trên tinh thần vô ngã. Do đó, trong sự phục vụ không có tà kiến về ngã, hoặc nói theo từ Phật học là không có ngã kiến. Được như vậy thì sự giúp đời mới sâu rộng. Muốn phục vụ trên tinh thần vô ngã thì phải tu thân và tu tâm, phải từ bỏ danh lợi, phiền não. Những đức tính cao quý đó sẽ được tròn đủ khi quý vị có chánh đạo, không theo tà đạo.”
Sādhu, sādhu, sādhu 

